Thời gian thử việc khi du học nghề ở Đức – Die Probezeit

4.7/5
Sai lầm khi thử việc

Mục lục

NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG NHƯNG KHÔNG AI NÓI VỚI BẠN!

Có một điều mà mình chắc là đến 90% tư vấn viên ở Việt Nam không nói cho bạn biết khi tư vấn hoặc khi bạn làm hồ sơ đó chính là thời gian thử việc. Trong bài viết này mình sẽ nói rõ hơn cho các bạn hiểu về cái khái niệm này. Đầu tiên các bạn phải biết được những thứ nhất thiết và cực kì quan trọng trong hợp đồng học nghề mà không thể thiếu được đó là:

  • Nghề được đào tạo, sắp xếp về thời gian và chương trình học nghề của mình
  • Thời điểm nhập học và tổng thời gian học nghề
  • Thời gian làm việc hàng ngày
  • Thời gian thử việc
  • Mức lương
  • Thời gian nghỉ phép
  • Điều kiện cắt hợp đồng

Trong nội dung bài này chúng ta hãy tìm hiểu về khái niệm thời gian thử việc.

Thời gian thử việc (Probezeit) là gì? ​

Giống như tất cả các công ty trên thế giới này, học nghề cũng là một hình thức đi làm. Cái này thì các bạn đọc ở trên mạng, rồi được người ta tư vấn nhiều rồi. Và để được vào làm chính thức thì sowieso kiểu gì các bạn cũng phải trải qua 1 thời gian thử việc. Đây là thời gian mà cả bạn và đơn vị bạn đang học nghề (Arbeitgeber) có thể tìm hiểu nhau. Bạn cũng cần tìm hiểu rằng công ty mình đang học liệu có tốt không, nghề này có hợp với mình không và phía công ty cũng cần xem bạn có phù hợp với vị trí họ đang cần không nữa. Túm lại, đây là thời gian vô cùng quan trọng quyết định tương lai của bạn ở công ty.

Thời gian thử việc trung bình là bao lâu?

Bình thường ở Đức thì khi bạn làm việc chính thức ở một công ty, thời gian thử việc sẽ là 6 tháng. Nhưng với học nghề nó sẽ khác đi một chút.
Theo như điều thứ 20 trong luật đào tạo nghề (§ 20 Probezeit BBiG), thời gian thử việc bắt đầu ngay khi bạn vào học nghề và thời gian này theo luật thì kéo dài ít nhất là một tháng và dài nhất là 4 tháng. Nếu trong thời gian thử việc bạn bị ốm thì thời gian thử việc của bạn sẽ tự động bị kéo dài ra. Nhưng một số công ty ở Đức họ cũng có những điều khoản riêng và thường áp dụng với học sinh học nghề Việt Nam mình đó là thời gian thử việc kéo dài đến 6 tháng như hình minh họa ở trên. Cái này cũng là 1 cái bất cập trong lúc làm hợp đồng nhưng phần đông chúng ta phải chấp nhận vì các bạn cần họ chưa chưa chắc họ cần các bạn.
Vậy trong 4 – 6 tháng này nhà tuyển dụng có quyền gì?

Quyền và nghĩa vụ của 2 bên trong thời gian thử việc?

Cả bạn và nhà tuyển dụng đều có quyền sau đó là có thể chấm dứt hợp đồng học nghề mà không cần quan tâm đến
• Kì hạn chấm dứt hợp đồng là 4 tuần (theo điều 22 luật đào tạo nghề § 22 BBiG). Trung bình ở Đức khi muốn cắt hợp đồng nào đó ví dụ Điện thoại, internet bạn phải thông báo người ta trước 3 tháng.
• Không cần nêu lý do tại sao lại chấm dứt hợp đồng.
Sau khi hết thời gian thử việc, nếu bạn muốn chấm dứt hợp đồng phải tuân thủ theo những điều trên nếu không muốn bị nhận thư của luật sư.
Đọc đến đây chắc là các anh em thấy là sang được Đức đã khó, nhưng để sống lâu dài ở Đức còn khó hơn phải không nào? Sau đây là những bí kíp để đời của mình đã đúc kết ra được trong thời gian sống và làm việc ở Đức. Hôm nay chia sẻ riêng cho anh em.

Bí kíp vượt qua thời gian thử việc

Hoa hậu thân thiện

Điều đầu tiên mà các bạn luôn phải nhớ đó là phải cực kì, cực kì thân thiện với đồng nghiệp của mình. Đừng bao giờ nói xấu đồng nghiệp hay thậm chí là sếp trong thời gian thử việc. Đây là qui luật sống còn. Lý do thì rất là đơn giản, nếu đồng nghiệp phàn nàn về bạn với sếp bạn thì sếp bạn sẽ tin bạn hay những người đồng nghiệp của bạn những người đã làm trước bạn rất lâu? COCC Thì mình bỏ qua nhé hehe.
Khi được giới thiệu thì bạn cũng nhớ là luôn luôn dùng Sie để nói chuyện với họ, trừ khi được họ cho phép dùng du. Cũng đừng bao giờ bắt đầu dùng du trước hoặc hỏi họ là có được dùng du không? Đây là cũng là nguyên tắc giao tiếp cơ bản trong cuộc sống với những “tiền bối” hoặc người lớn tuổi. 1 kinh nghiệm nhỏ nữa là bạn có thể chủ động mời/ rủ người ta đi ăn trưa hoặc xin phép ăn trưa cùng để có thể xây dựng quan hệ với đồng nghiệp. Trong môi trường nào cũng vậy, mạng lưới cũng rất là quan trọng. Tin mình đi sau này bạn sẽ được lợi rất nhiều từ mạng lười của mình. Đừng bao giờ ăn 1 mình và tự tách ra khỏi xã hội.

Luôn phải hỏi và ghi note lại

Khi đi làm bạn không nên tự làm những gì mình chưa biết, đây là qui luật bất biển dù ở bất cứ đâu. Đừng tự cho rằng mình cái gì cũng biết mà làm không cần hỏi ai, nếu như vậy thì mình chắc chắn đây sẽ là sai lầm nhớ đời của bạn. Mình đã làm treo cả hệ thống báo cáo của công ty vì cái tật táy máy của mình khi còn làm Controller cho BASF. Tất cả mọi việc bạn chưa biết thì bạn đều cần phải hỏi và thậm chí là ghi lại thật rõ ràng! Người Đức thích như vậy. Chẳng ai muốn bị hỏi cùng 1 chủ đề đến 5 – 10 lần. Cực kì khó chịu! Nó cũng thể hiện bạn là 1 người không tập trung.

Trang phục khi đi làm cũng là một điều quan trọng

Các bạn trẻ giờ khá thích thể hiện cá tính qua cách ăn mặc, đầu tóc. Rất rất nhiều bạn thích mặc đồ thời trang hoặc hàng hiệu. Nhưng mình xin các bạn hãy bỏ ngay lập tức cái tư tưởng này khi sang Đức. Chỗ đi làm không phải sàn diễn thời trang. Nếu cần nổi bật thì bạn đi làm cái khác nhé vì người Đức cực kì ghét cái kiểu như vậy. Biện pháp an toàn nhất là gì? Đó là người ta mặc sao thì mình mặc như vậy. Vừa hòa nhập với cộng đồng là vừa đỡ phải suy nghĩ “em hông có gì để mặc”

Thái độ làm việc: thân thiện và đúng giờ

Người Đức và người nhật nổi tiếng về sự đúng giờ. Nếu có hẹn họ có thể đến sớm 15 30 phút nhưng đến đúng giờ hẹn họ mới vào gặp bạn. Đây là 1 nét văn hóa đặc trưng của người Đức thể hiện sự tôn trọng đối phương. Mình thấy điều này cũng là 1 điều vô cùng văn minh, chẳng ai thích người cao su phải không nào?

Làm thêm giờ (Überstunden)

Đức là đất nước thượng tôn pháp luật. Cái gì cũng có luật hết á. Nên là bạn cũng được hưởng những qui định về giờ làm việc rõ ràng trong mỗi doanh nghiệp. Nhưng có một chữ nhưng, đó chính là chẳng ai thích 1 đứa cứ đúng 5h30 là cắp đít đi về không sai một giây. Nó thể hiện là bạn phát chán cái công việc này rồi, và đang đếm từng giờ từng phút để được đi về. Tiếp tục đứng trên quan điểm của người khác, khi bạn đang còn 1 đống công việc mà cái thằng cu học nghề nó cứ đúng giờ là về thì liệu bạn có bực không? 100% là không thích dù biết đây là quyền của nó.
Vậy thì mình phải làm sao nào? Đầu tiên phải hỏi nhẹ nhàng người mà đang dạy nghề cho bạn liệu có còn công việc nào để bạn làm nữa không? Liệu bạn đã được phép về chưa? Nó thể hiện bạn rất có giáo dục và tinh thần sẵn sàng khi làm việc. Trong nhiều trường hợp là bạn sẽ được về luôn. Còn nếu phải làm thêm thì sao, thì có thể hỏi lại người dạy việc mình là liệu có thể đến muộn hoặc về sớm hơn vào các ngày khác được không. Đừng bao giờ làm mà không hỏi?

Ngày phép trong thời gian thử việc

Về cơ bản, trong thời gian nghỉ việc bạn không được hưởng ngày phép. Và trong thời gian này bạn cũng không nên hỏi về ngày phép luôn. Trừ khi đó là việc rất rất quan trọng mà bạn không thể không nghỉ được. Nên nhớ là bạn học nghề ở Đức cũng có số ngày phép gần như là gấp đôi ngày phép ở Việt Nam. Bạn có rất rất nhiều thời gian nghỉ sau thời gian thử việc.

Nếu mình bị ốm trong thời gian thử việc thì phải làm sao?

Nếu bạn bị ốm thì nên ở nhà. Nhưng trước đó bạn phải xin giấy phép nghỉ ốm do bác cấp và liên hệ ngay lập tức với công ty về việc bạn bị ốm và cần nộp giấy cho ai. Bạn cũng đừng quên cho người ta số điện thoại của mình để người ta có thể liên lạc với bạn chứ đừng lặn mất tăm. Đừng bao giờ nghỉ nửa ngày xong mới gọi điện cho công ty báo sếp ơi em ốm rồi. Làm như vậy 100% là bạn sẽ được sếp cho nghỉ hẳn ở nhà luôn đấy

Trên đây là những kinh nghiệm mình đúc kết được khi sống và làm việc ở Đức. Nếu bạn cảm thấy hay hãy tiếp tục follow các trang mạng xã hội của mình để đọc thêm những bài viết khác nhé